Gạo Việt Nam đang được các quốc gia từ Á sang Âu, Mỹ mua với giá cao góp phần giúp ngành hàng này thu về gần 2,9 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6 năm nay, nước ta xuất khẩu 4,54 triệu tấn gạo, chỉ tăng nhẹ 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng mạnh 28,1%.

Philippines và Indonesia vẫn là hai khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Xuất khẩu sang hai thị trường này tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 1,9 triệu tấn, giá trị đạt 1,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất khẩu sang Philippines tăng 11,7% về lượng và tăng 40,5% về giá trị.

Tương tự, nước ta xuất khẩu sang Indonesia hơn 712.400 tấn gạo, thu về 444,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này tăng 44,6% về lượng và tăng mạnh 82,1% về giá trị. 

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, kim ngạch gạo xuất khẩu tăng mạnh bởi giá gạo bình quân xuất khẩu neo ở mức cao trong suốt thời gian qua. 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt doanh thu 2,9 tỷ USD
Nhiều quốc gia mua gạo Việt với giá cao. Ảnh: Sưu tầm

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang thị trường Brunei lên tới 959 USD/tấn; xuất khẩu sang Mỹ có giá 868 USD/tấn, sang Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn… Trong khi đó, giá bình quân xuất khẩu gạo Việt 5 tháng đầu năm nay neo ở ngưỡng 638 USD/tấn.

Hiện gạo là mặt hàng đứng thứ năm về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp, đồng thời là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. 

Bộ NN-PTNT tính toán, năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng trên 43 triệu tấn, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, giá trị đạt 5 tỷ USD.

Xem thêm  Chị Em Đua Nhau Săn Hải Sản Ngộp Chết - Hải Sản Tươi Vào Cảnh "Ế"

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Ghana, Malaysia, Singapore,… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Mới đây, Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% hiện hành xuống còn 15%. Theo các doanh nghiệp, với động thái này của Philippines, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ tăng tốc và mức giá ổn định trở lại ở ngưỡng cao.

Đặc biệt, tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Trong giai đoạn 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hàng năm lên tới 1,5-2 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo hai nước.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm nay, ngành gạo cũng gặp nhiều thách thức.

Sự việc hai cơ quan quốc gia của Indonesia bị khiếu kiện liên quan tới cáo buộc tham nhũng trong việc mua gạo từ Việt Nam (dù đang trong quá trình điều tra) có khả năng ảnh hưởng tới thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024.

“Việc ngưng mua gạo từ Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra để Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia làm rõ vụ việc hoặc Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia tạm thời sẽ tránh mua gạo từ Việt Nam để tránh bị nghi ngờ gian lận”, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đánh giá.

Bên cạnh đó, Ấn Độ có động thái gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề giá. Bởi, Ấn Độ là nguồn cung gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tháng 7 năm ngoái, quốc gia này áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy loại lương thực này sốt giá trên toàn cầu.

Xem thêm  Sự Biến Đổi Giá Cả Của Nho Sữa ‘Quý Tộc’: Từ Đắt Đỏ Đến Bình Dân

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) – cho rằng, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại.

Tình trạng hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.

Thực tế, những ngày gần đây, giá gạo trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm. Dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 10/7, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu trung bình của Việt Nam được niêm yết ở mức 567 USD/tấn, hàng cùng loại của Thái Lan là 578 USD/tấn.

So với ngày 19/7 năm ngoái (thời điểm trước khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu), giá gạo hiện tại của Việt Nam chỉ cao hơn 34 USD/tấn. Còn so với mức đỉnh 663 USD/tấn được thiết lập ngày 21/11/2023, giá gạo đã giảm 130 USD/tấn.

Theo Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi xuất khẩu lúa gạo chất lượng, như vậy mới duy trì được giá xuất khẩu cao khi Ấn Độ gỡ lệnh cấm.

Nguồn: Vietnamnet