Món gỏi sứa biển là một món ăn truyền thống của dân biển mọi miền của Việt Nam, được làm từ sứa biển tươi ngon kết hợp cùng các loại rau sống và gia vị. Món ăn này không chỉ ngon lạ miệng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Với kinh nghiệm nằm vùng nhiều ở các cửa biển của tôi. Dưới đây là cách chế biến Gỏi sứa biển tươi mời các bạn tham khảo.
1. Giới thiệu về Sứa biển
1.1 Phân loại Sứa biển theo kinh nghiệm ngư dân
Theo kinh nghiệm của Ngư dân truyền đạt lại thì con sứa biển có nhiều chủng loại, nhưng phổ biến ở Vùng biển Việt Nam có 2 loại đặc trưng đó là sứa trắng và sứa đỏ (hay còn gọi là sứa lửa). Sứa trắng là loại sứa khá an toàn, bạn có thể dùng ăn các món như nộm và gỏi sứa.
Còn đối với sứa đỏ hay sứa lửa là loài sứa có độc, loại sứa này nếu chạm phải có thể gây bỏng, hoại tử da, gây ngứa kích ứng rấ khó chịu. Khi đi tắm biển đến mùa sứa sinh sản các bạn cũng nên lưu ý điều này để tránh gặp phải những khó chịu khi tắm biển. Đây là một trong những kinh nghiệm tắm biển phải lưu tâm.
1.2 Dinh dưỡng của Sứa biển
Sứa biển là một trong những sinh vật biển không xương sống độc nhất của ngành Thích ty bào (Cnidaria). Sứa biển rất giàu protein và ít chất béo. Tiếp xúc nhiều với ngư dân, họ cho biết con sứa ăn rất lành có thể sử dụng cho tất cả mọi người. Thậm chí, chúng còn tăng lợi sữa cho bà bầu.
1.3 Sứa biển tươi làm món gì
Nộm sứa khô
Sứa biển được biết tới với nhiều món ăn nhưng phổ thông nhất vẫn là nộm sứa, các bạn lưu ý rằng nộm sứa là cách làm đối với loại sứa đã được sấy khô, món này tương đối dễ ăn cùng với khâu chế biến cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, để nói về sở thích ăn của người ở vùng ven biển thì họ ăn gỏi tươi chứ rất ít khi ăn nộm sứa sấy khô.
Gỏi sứa tươi
Gỏi sứa tươi được làm từ sứa chưa qua sấy khô, con sứa chỉ loại bỏ những phần không ăn được và được ăn với Chẻo hoặc 1 số loại gia vị khác tuỳ theo đặc trưng từng vùng miền. Món này ngon hay không ở khâu chế biến nấu chẻo và cách sơ chế sứa.
2. Cách chế biến gỏi sứa biển tươi
2.1 Chuẩn bị nguyên liệu
Dưới đây là khẩu phần chuẩn bị cho khoảng 2-3 người ăn. Vì sứa tươi sau khi sơ chế sẽ bị hao hụt đi khoảng 50% nên bạn hãy cân đối mức ăn để mua.
- Sứa biển tươi: 4 kg
- Lá ổi, mít non, lá chè xanh (1 trong 3 đều được)
- Giềng – Xả – Hành – Tỏi – Ớt – Nghệ mỗi thứ 2 củ
- Thịt ba chỉ 300gr
- Cá biển nhỏ 300gr
- Mẻ – Giấm bỗng 100ml
- Lạc – Gạo Rang 50gr
- Mắm – Muối – Mì chính – Hạt nêm
- Bột năng hoặc bột bắp 3 thìa canh
- Các loại rau thơm (Tía tô, húng, bạc hà…)
2.2 Sơ chế
Sơ chế sứa tươi
Đầu tiên, các bạn lấy sứa rửa sạch với muối loãng, hãy rửa dưới vòi nước xả mạnh để đảm bảo sạch cát biển. Sau đó, bạn đem thái thành những thớ con chì to chừng ngón tay cái là được.
Nấu một nồi nước nhỏ cho hết phần lá ổi, mít non, lá chè xanh vào đun sôi kĩ sau đó để nguội hẳn. Nước nguội bạn cho hết sứa vào ngâm. Thời gian ngâm khoảng từ 4 – 8h là có thể sử dụng được. Nhiều nơi họ ngâm lâu hơn nữa. Bạn kiểm tra thấy sứa cứng nhẹ lại, co ngót vào là có thể sử dụng. Khi sứa đã ngâm xong bạn vớt ra để ráo.
Sơ chế nguyên liệu để nấu chẻo
Cá biển bạn hãy kho nhạt sau đó tách thịt, xương cá giữ lại đem rang vàng. Thịt ba chỉ xay hoặc băm, theo kinh nghiệm thì băm tay sẽ ngon hơn.
Pha sẵn hỗn hợp Nước mẻ + Giấm bỗng.
Giềng – Xả – Hành – Tỏi – Ớt – Nghệ – Lạc các bạn rửa sạch sau đó băm nhuyễn, hoặc dùng cối xay càng tốt. Các nguyên liệu để riêng biệt. Rửa sạch các loại rau thơm để ăn sống. Vậy là xong phần sơ chế hãy qua bước tiếp theo nhé.
2.3 Nấu chẻo chấm Sứa
Chẻo chấm sứa là một trong những công thức kì công và phức tạp nhất vì chúng quyết định món sứa này có ngon hay không. Đầu tiên, bạn cho dầu ăn đun nóng, cho hành tỏi vào phi thơm. Tiếp theo, bạn cho phần xương cá + thịt cá + thịt ba chỉ đảo đều. Khi thấy mùi thơm mạnh, bạn cho thêm giềng + xả + nghệ + ớt đã băm nhuyễn. Nêm thêm 2 thìa hạt nêm. Đảo thêm cho săn lại, bạn đổ hỗn hợp nước mẻ + giấm bỗng. Hãy để lại 1 ít giềng để làm gỏi nhé.
Sau khi hỗn hợp trên sôi bạn cho thêm lạc xay, đun tiếp chừng 1-2 phút bạn nêm thêm 1 thìa nước mắm mặn, nêm nếm các gia vị và bổ sung độ chua ngọt bằng giấm, mì chính theo sở thích cá nhân. Sau khi cân bằng được gia vị nêm nếm bạn nước bột bắp hoặc bột năng khuấy đều cho đến khi Chẻo có độ kết dính, sệt lại (lưu ý vừa phải để không bị đặc quá). Vậy là đã xong món Chẻo chấm sứa.
2.4 Làm gỏi Sứa tươi
Sứa sau khi vớt sạch để ráo, bạn cho sứa tươi ra mâm cho thêm giềng hoặc thêm xả băm tuỳ sở thích, bạn cho thính gạo (gạo rang) hoặc không cho cũng được tuỳ theo nhu cầu, trộn nhanh tay rồi cho ra đĩa. Trang trí thêm một vài nhánh rau húng tạo điểm nhấn.
3. Thưởng thức món ăn
3.1 Cách ăn và hương vị đặc trưng của món sứa tươi
Bạn lấy 1 phần chẻo nóng vào bát, chấm gỏi sứa ăn cùng với chẻo và các loại rau thơm. Khi ăn món này bạn sẽ có cảm nhận vị sứa tươi, sứa giòn dai, kèm theo đó là hương vị chua, cay thơm phức của món Chẻo miền trung. Ăn gói cùng các loại rau thơm tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn. Bạn đã trót thử chắc chắn bạn sẽ phải thử lại lần 2, vì sứa biển tươi là món gây nghiện cho những ai từng thử qua.