Dùng đều đặn loại rau này có thể giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh vặt, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Rau mồng tơi – loại rau “quốc dân” của người Việt, không chỉ là nguyên liệu quen thuộc trong các món canh mát lành, mà còn là “bài thuốc” thiên nhiên tuyệt vời cho sức khỏe.
Loại rau này nấu lên có vị nhớt nhớt, thế nhưng nó được ví như “nhân sâm xanh” vì rất giàu dinh dưỡng. Với vị ngọt nhẹ, tính mát và giàu dinh dưỡng, rau mồng tơi mang lại nhiều công dụng mà ít ai ngờ tới.
Rau mồng tơi là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, chất xơ. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, mỗi 100g mồng tơi chứa đến 2,9g chất xơ – lượng chất xơ này cao hơn so với một số loại rau phổ biến khác như cải bó xôi (2,4g/100g) và rau diếp (1,6g/100g).
Y học cổ truyền cũng đánh giá cao rau mồng tơi nhờ tính hàn, vị ngọt và chua, giúp thanh nhiệt, giải độc, hóa tràng, hỗ trợ lương huyết. Loại rau này thường được sử dụng để trị táo bón, tiểu tiện khó, mụn nhọt, và các chứng viêm.
Tóm tắt bài viết
Ăn mồng tơi đều đặn sẽ trị được 5 bệnh vặt tốt hơn cả thuốc quý
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ một số bài thuốc dân gian sử dụng mồng tơi như sau:
1. Tốt cho xương khớp
Rau mồng tơi không chỉ là món ăn ngon mà còn hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp.
Cách làm: Hầm rau mồng tơi với chân giò, thêm một chút rượu sẽ tạo nên món canh bổ dưỡng giúp làm dịu cơn đau khớp, đồng thời hỗ trợ mau lành vết bỏng nhờ nước cốt từ lá.
2. Trị đại tiện táo bón
Để cải thiện tình trạng táo bón, có thể dùng khoảng 500g mồng tơi, nấu thành món canh với mắm muối, giấm, hoặc tương. Sau vài ngày, chứng táo bón sẽ được giảm rõ rệt.
3. Điều trị đại tiện xuất huyết kinh niên
Món canh từ mồng tơi và gà mái già có thể giúp khắc phục tình trạng này.
Cách làm: Dùng 30g mồng tơi cùng một con gà mái già (bỏ đầu, chân và nội tạng) hầm kỹ. Khi thịt gà đã chín, mới cho mồng tơi vào nấu thêm khoảng 20 phút. Món ăn này bổ dưỡng và có lợi cho những người gặp phải tình trạng xuất huyết.
4. Làm đẹp da
Với đặc tính thanh mát và giàu chất chống oxy hóa, mồng tơi cũng là nguyên liệu tuyệt vời cho làn da.
Cách làm: Lấy lá mồng tơi non ở đầu nhánh, giã nát lấy nước cốt, thêm chút muối và thoa lên da. Rửa sạch sau vài phút để da thêm tươi sáng và giảm mụn.
5. Trị tiểu tiện khó
Dùng mồng tơi xay nhuyễn, lấy nước cốt pha với nước đun sôi để nguội, thêm một ít muối và uống vào sáng sớm trước bữa ăn. Bã mồng tơi cũng có thể dùng để đắp lên bụng dưới, giúp hỗ trợ tiểu tiện.
Những lưu ý khi dùng rau mồng tơi
– Mồng tơi có tính hàn nên những người có tỳ vị hư hàn nên hạn chế dùng.
– Các món ăn bài thuốc từ mồng tơi cũng nên được dùng hết trong ngày, mỗi lần ăn nên hâm nóng lại và tránh để qua đêm để tránh nguy cơ ngộ độc.
– Rau mồng tơi có chứa nhiều purin – hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Vì vậy người bệnh thận ăn nhiều rau mồng tơi sẽ khiến sức khỏe của thận bị đe dọa.
– Bệnh nhân đau dạ dày ăn nhiều mồng tơi sẽ làm tăng gánh nặng dạ dày, làm trầm trọng hơn triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, đau bụng. Do đó ai đang mắc bệnh dạ dày nên thận trọng.
– Rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón rất hiệu quả. Do đó, nếu bệnh nhân tiêu chảy, đại tiện lỏng ăn rau mồng tơi sẽ bị “phản tác dụng”, sẽ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
– Rau mồng tơi dù tốt cho cơ thể, có tác dụng nhuận tràng, hạ hỏa… nhưng không phải vì thấy nó tốt mà ăn nhiều. Mỗi tuần chỉ nên ăn khoảng 2 lần để đảm bảo sức khỏe.
Theo Bảo Nam (Thanhnienviet)