Với diện tích trồng khoảng 151.000 ha, loại trái cây này phủ sóng nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước. Trong năm nay, sản lượng sầu riêng dự kiến đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Sầu riêng được thu hoạch quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, cao điểm thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, khiến cho việc xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh.
Được gọi là “Vua của trái cây Việt,” sầu riêng Việt Nam đã bứt phá doanh thu 1 tỷ USD chỉ trong vòng 2 tháng.
Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai), hàng tươi xuất khẩu trung bình mỗi ngày có khoảng 100 xe, trong đó hơn 90 xe chở sầu riêng.
Hiện nay, giá sầu riêng loại Monthong dao động khoảng 90.000 đồng/kg, còn loại Ri6 thì khoảng 60.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi xe hàng xuất khẩu có giá trị từ 1,1 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng. Hồi đầu năm, khi giá sầu riêng đạt mốc 200.000 đồng/kg, giá trị xuất khẩu của mỗi xe hàng lên tới 3,5 tỷ đồng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết rằng xuất khẩu sầu riêng đang tăng mạnh. Trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước và tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 6/2024, lượng sầu riêng xuất khẩu ước đạt 600 triệu USD. Tức là chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng, nước ta đã thu về 1,05 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu sầu riêng.
Thống kê khủng trong 6 tháng đầu năm 2024
Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,5 tỷ USD. Sầu riêng tiếp tục dẫn đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta, gấp gần 4 lần kim ngạch của thanh long – loại quả từng giữ vị trí đầu bảng trong nhóm rau quả xuất khẩu.
Theo ông Nguyên, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, ông cảnh báo doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn về mã số vùng trồng cũng như chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này.
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra lời khuyên quan trọng: các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung giám sát mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Điều này giúp tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, đồng thời bảo vệ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp đáng tin cậy.
Theo tính toán, với sản lượng sầu riêng của nước ta, năm nay xuất khẩu loại quả này dự kiến đạt 3 tỷ USD. Nếu ký được nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Một số nhà vườn ở miền Tây cho biết, năm nay, năng suất sầu riêng giảm so với năm ngoái, trung bình chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha. Tuy nhiên, giá sầu khá cao, dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg. Do đó, nông dân vẫn lãi khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha tuỳ thuộc vào năng suất và giá bán sau khi trừ đi chi phí sản xuất.
Thông tin thị trường tổng hợp